Ung thư vòm mũi họng

Giới thiệu

Ung thư vòm mũi họng là một trong những loại ung bướu phổ biến ở các vùng ven biển phía nam Trung Quốc và ở khu vực Đông Nam Á, độ tuổi mắc trung bình là 40~50 tuổi. Cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự, nhưng có thể liên quan đến gen chủng tộc, môi trường sống, chế độ ăn uống và nhiễm vi rút E.B. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, loại ung thư này được chia thành ba loại (tuýp) tùy theo hình thái tế bào:

  1. Tuýp 1: Ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa
  2. Tuýp 2: Ung thư biểu mô tế bào vảy không sừng hóa
  3. Tuýp 3: Ung thư biểu mô tế bào không biệt hóa hoặc kém biệt hóa

 

Các triệu chứng thường gặp của ung thư vòm mũi họng bao gồm sưng hạch cổ, ù tai, trong nước mũi hoặc đờm có vệt máu, nghẹt mũi, đau đầu, tê mặt hoặc thậm chí bị song thị (nhìn đôi). Việc chẩn đoán lâm sàng, ngoài nội soi vòm mũi họng và khám thực thể ra, quan trọng nhất là phải tiến hành sinh thiết mô vòm mũi họng để xác định bệnh. Ngoài ra, cần phải tiến hành kiểm tra hình ảnh bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để xác định mức độ xâm lấn tại chỗ của khối u, trong đó MRI có thể cung cấp độ phân giải tốt hơn. Chụp tạo ảnh phân tử glucose, có thể cung cấp thêm thông tin về tình hình lây lan của khối u. Theo phân loại giai đoạn AJCC năm 2020:

  1. Giai đoạn I: T1N0M0: Khối u khu trú ở khoang mũi họng, chưa di căn đến hạch bạch huyết hoặc các vị trí xa
  2. Giai đoạn II: T1-2N0-1M0: Khối u xâm lấn ra ngoài khoang mũi họng hoặc di căn đến hạch cổ trên ở một bên
  3. Giai đoạn III: T1-2N2M0, T3N0-2M0: U xâm lấn xương nền sọ hoặc di căn đến hạch cổ trên ở cả hai bên
  4. Giai đoạn IVA: T4N0-2M0, T1-3N3M0: Khối u xâm lấn ra ngoài khoang mũi họng hoặc di căn đến hạch cổ dưới
  5. Giai đoạn IVB: Tbất kìNbất kìM1, di căn xa

Lựa chọn phương pháp điều trị

Điều trị ung thư vòm mũi họng

Các phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư vòm mũi họng theo chỉ dẫn của đội ngũ chúng tôi

  1. Trong giai đoạn I, chỉ sử dụng xạ trị để điều trị tận gốc
  2. Đối với ca bệnh từ giai đoạn II trở lên và chưa di căn xa, khuyến nghị kết hợp đồng thời với hóa trị để tăng khả năng tiêu diệt khối u. Các loại thuốc thường được sử dụng kết hợp là chế phẩm chứa Cisplatin (cisplatin-based).
  3. Đối với ca bệnh ở giai đoạn III và IV, một số tài liệu chỉ ra rằng hóa trị trước (Cisplatin/Gecitabine) có thể giúp tăng khả năng kiểm soát bệnh. Còn hóa trị bổ trợ hoặc hóa trị đường uống thì sẽ được sử dụng trong một số ca lo ngại còn sót một phần khối u. Liều xạ trị sẽ được cung cấp theo phương pháp điều trị theo từng đợt sử dụng gradient liều tích hợp tăng cường đồng thời NRG/RTOG, tổng liều điều trị khối u là 69,96 Gray chia làm 33 lần, mỗi tuần 5 lần, hoàn thành trong vòng 6-7 tuần.

 

Xạ trị Photon/Proton

Về các phương pháp xạ trị, có thể lựa chọn Liệu pháp Photon cung tròn điều biến cường độ, hoặc Liệu pháp Proton quét chùm tia bút chì điều biến cường độ.

Ưu điểm của việc lựa chọn liệu pháp Proton là tận dụng được sự phân bố liều vật lý của Proton. Proton là hạt tích điện dương, sau khi chiếu đến độ sâu nhất định sẽ giải phóng toàn bộ năng lượng (tức là đỉnh Bragg), và sau đó hầu như không còn liều bức xạ. Vì vậy, nó có thể làm giảm liều bức xạ chiếu đến các mô khỏe mạnh ở xa khối u, giúp giảm đáng kể tác dụng phụ do điều trị. Đối với bệnh nhân ung thư vòm mũi họng, tác dụng chính của liệu pháp này là có thể làm giảm liều bức xạ phân tán vào khoang miệng và não bộ.

Ưu điểm này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phần lớn bệnh nhân ung thư vòm mũi họng có thể sống sót sau thời gian điều trị lâu dài, vì nó có thể làm giảm đáng kể tình trạng xơ hóa và ung thư thứ phát do xạ trị. Do đó, những bệnh nhân có đủ tài chính, không bị nhiễu ảnh do kim loại, có thể hợp tác điều trị, và đã được bác sĩ đánh giá toàn diện về phạm vi điều trị, thì đều phù hợp áp dụng liệu pháp Proton.

Đội ngũ nhân viên y tế

Đội ngũ của chúng tôi cung cấp các dịch vụ y tế tích hợp liên khoa, gồm các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau cùng phối hợp chẩn đoán và điều trị, thiết lập sự đồng thuận trong điều trị các loại ung thư khác nhau, xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân, và cung cấp các dịch vụ y tế tổng hợp từ cả đội ngũ y bác sĩ, nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau của bệnh nhân. Thành viên đội ngũ bao gồm các bác sĩ khoa Nội và Ngoại, khoa Hình ảnh học y khoa, khoa Bệnh học, Khoa Ung bướu và Huyết học, Khoa Phóng xạ và U bướu, Khoa Y học nhạt nhân, Khoa Phục hồi chức năng, đội ngũ Chăm sóc giảm nhẹ, điều dưỡng viên, điều dưỡng viên chuyên khoa, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên viên công tác xã hội, đoàn thể bệnh nhân và chuyên viên quản lý ca bệnh, v.v.

Vào năm 2015, Trung tâm Proton của bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu chính thức đưa vào phục vụ bệnh nhân, năm 2016, bắt đầu sử dụng chùm tia bút chì tiên tiến nhất và kỹ thuật tối ưu hóa điều biến cường độ đa trường chiếu để điều trị ung thư vòm mũi họng và ung thư đầu cổ. Đến nay chúng tôi đã tích lũy kinh nghiệm điều trị cho vài trăm ca bệnh. Ung thư vòm mũi họng là một trong những loại ung bướu phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Trung tâm Proton của bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu chúng tôi ngoài kinh nghiệm điều trị phong phú còn được trang bị các thiết bị trị liệu Proton tiên tiến nhất. Có thể nói, đội ngũ điều trị ung thư vòm mũi họng và ung thư đầu cổ của Bệnh viện Chang Gung Lâm Khẩu là đội ngũ có kinh nghiệm phong phú nhất thế giới về chùm tia bút chì và tối ưu hóa điều biến cường độ đa trường chiếu.

Kết quả điều trị

Các bệnh nhân đã được chúng tôi điều trị ung thư vòm mũi họng, qua theo dõi và khám ngoại trú sau điều trị đều thấy có sự khác biệt rõ ràng về tác dụng phụ, khả năng kiểm soát khối u và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân so với phương pháp xạ trị điều biến cường độ truyền thống. Chúng tôi đã chọn các bệnh nhân ung thư vòm mũi họng có tình trạng xâm lấn và biểu hiện lâm sàng của khối u tương tự như nhau, nhưng được chia ra điều trị bằng liệu pháp Proton điều biến cường độ và Liệu pháp Photon cung tròn, mỗi nhóm 80 người để tiến hành so sánh đối chiếu.

Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ sống sót sau hai năm và tỷ lệ sống sót không tiến triển bệnh của nhóm điều trị bằng Proton là 100% và 94%, so với 89,5% và 83,7% của nhóm điều trị bằng Photon. Tuy nhiên vẫn chưa đạt mức độ chênh lệch về mặt thống kê học, có thể còn cần theo dõi quan sát trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác thực rằng Proton có thể làm giảm rõ rệt các tác dụng phụ, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân phải đặt ống thông mũi dạ dày và bị sút cân trên 7% là 5% và 32,4% đối với liệu pháp Proton, so với 15% và 54,7% của liệu pháp Photon.

Những kết luận này tương ứng với mong đợi của chúng tôi, bởi vì Proton có thể làm giảm rõ rệt các tác dụng phụ, không chỉ cải thiện khả năng chịu đựng điều trị và chất lượng cuộc sống, mà còn có thể gián tiếp chuyển thành ưu thế nâng cao khả năng sống sót.

Chia sẻ ca bệnh

Ca bệnh 1

Cuối năm 2019, nam thanh niên 20 tuổi người Singapore bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm mũi họng giai đoạn II, được cha và gia đình hết sức ủng hộ, anh đã lựa chọn đến Đài Loan để điều trị bằng liệu pháp Proton điều biến cường độ, với hy vọng có thể giảm thiểu tác dụng phụ của điều trị.

Qua một tháng rưỡi điều trị, sau khi thăm khám cho thấy khối u đã thuyên giảm hoàn toàn, cơ thể hiện đã bình phục hoàn toàn. Do tình hình dịch bệnh ở cả hai nơi đều khá phức tạp, nên cha anh W đã gửi ảnh chụp cuộc sống đời thường của anh đến bệnh viện chúng tôi để bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời khích lệ đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện chúng tôi. Trong ảnh có thể thấy anh W có thể ăn những thực phẩm bình thường giống như người khỏe mạnh.

Ca bệnh 2

Nam doanh nhân Đài Loan trở về từ Indonesia, 54 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm mũi họng giai đoạn IV, T4N2M0. Kết quả chụp cộng hưởng từ trước khi điều trị cho thấy khối u vòm mũi họng trái đã xâm lấn nền sọ và đi theo dây thần kinh nội sọ đến xoang hang, ngoài ra còn di căn hạch cổ trên ở cả hai bên, do đó đến bệnh viện chúng tôi để tiến hành xạ trị và hóa trị. Bệnh nhân lựa chọn Liệu pháp Proton điều biến cường độ, sơ đồ kế hoạch liều cho thấy chùm tia bút chì kết hợp tối ưu hóa điều biến cường độ đa trường chiếu, không chỉ có thể hoạch định các đường cong liều với gradient liều khác nhau và có thể bao quanh khối u. Vì liều Proton có khả năng phân bố liều lượng vật lý một cách ưu việt, do đó có giúp giảm thiểu liều bức xạ thấp chiếu vào các mô khỏe mạnh ở xung quanh. Sau khi điều trị, kết quả chụp cộng hưởng từ và Chụp tạo ảnh phân tử glucose cho thấy khối u đã thuyên giảm hoàn toàn, hiện tại người bệnh đang được theo dõi ổn định và đã trở về Indonesia làm việc.

Q&A

Q1.  Ung thư vòm mũi họng có chữa khỏi được không?

Hầu hết các ca ung thư vòm mũi họng đều có thể chữa khỏi, do đó cần phải tích cực điều trị. Theo thông báo quốc gia năm 2021 về dữ liệu điều trị của bệnh viện chúng tôi, tỷ lệ sống sót lâu dài của các ca ung thư ở giai đoạn I-IV lần lượt là 98,4%, 97,6%, 86,9% và 61,9%. Vì vậy, càng sớm điều trị thì tiên lượng sẽ càng tốt.

 

Q2.  Ung thư vòm mũi họng cần tiến hành các hạng mục kiểm tra xét nghiệm nào để phân loại giai đoạn?

Chụp cộng hưởng từ, chụp tạo ảnh phân tử glucose, nội soi, sinh hóa máu, chỉ số virus vòm mũi họng (EBVDNA), v.v.

 

Q3.  Các trường hợp nào không phù hợp điều trị bằng liệu pháp Proton?

Những bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào máy tạo nhịp tim, tình trạng của bệnh nhân không ổn định dẫn đến không thể nằm lâu hoặc rất khó khăn để thiết lập vị trí, bị nhiễu ảnh kim loại nghiêm trọng do có lắp răng giả kim loại hoặc vít thép ở cột sống cổ, bị hội chứng sợ không gian kín, v.v., các tình trạng trên sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn trong điều trị và độ chính xác của liều lượng chiếu xạ.

Copyright © 2015 CHANG GUNG MEMORIAL HOSPITAL, All Right Reserved.