Ca bệnh 1: Kích thích nhân đồi thị trước
Cô Lâm, từ năm 12 tuổi khi ở trường học đã bắt đầu có các triệu chứng như gật đầu liên tục và rối loạn ý thức tạm thời, kèm theo chứng học tập khó khăn. Lúc đầu, gia đình không để ý lắm, nhưng sau đó cô bắt đầu bị động kinh kèm theo co giật toàn bộ cơ thể, thường được gọi là động kinh cơn lớn. Kết quả đo sóng não chẩn đoán cho thấy cô bị “động kinh vắng ý thức ở tuổi thiếu niên”, lúc đó liền bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, đầu năm nay, tần suất phát tác cơn lớn tăng lên, khiến cô gần như suốt ngày lơ đãng uể oải, người thân và bạn bè gọi cũng thường xuyên không có phản ứng gì, không thể tiếp tục đi học, nên mới chuyển đến khám ở bệnh viện chúng tôi.
Sau khi tiến hành ghi điện não đồ video dài hạn, phát hiện não bộ của bệnh nhân bị rò rỉ điện gần như trong mỗi phút, điều này cũng giải thích tại sao gần đây cô luôn rơi vào trạng thái lơ đãng thất thần. Bác sĩ chẩn đoán bệnh trạng của cô đã chuyển biến nặng thành “trạng thái động kinh”, nếu không mau chóng ngăn chặn, có thể gây tổn thương não không hồi phục được. Do đó cô được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt của khoa Nội Thần kinh, bắt đầu tiến hành tiêm nhiều loại thuốc chống động kinh, thuốc gây mê an thần và áp dụng chế độ ăn Keto, nhưng vẫn không thể kiểm soát được bệnh động kinh.
Cuối cùng, vì bệnh động kinh của bệnh nhân vẫn tiếp diễn, nên bệnh viện sau khi trao đổi với gia đình bệnh nhân, đã quyết định tiến hành “kích thích nhân đồi thị trước”. Nói một cách đơn giản, trước hết sẽ tiến hành đặt khung định vị lập thể não bộ ở vùng đầu bệnh nhân, sau khi định vị hình ảnh chính xác, đặt điện cực tí hon vào sâu trong não và dừng lại ở vị trí ở nhân đồi thị trước, sau đó nối dây dẫn điện cực với máy tạo xung, và đặt vào dưới da ở chỗ xương đòn. Nguyên lý là sử dụng điện cực để giải phóng dòng điện ở vùng đồi thị trước, nhằm ngăn chặn sóng động kinh, nguyên lý này tương tự như máy điều chỉnh nhịp tim. Sau phẫu thuật vẫn cần ở lại buồng ghi điện não đồ video kỹ thuật số vài ngày để đánh giá tình trạng động kinh, nếu không có biến chứng rõ ràng thì có thể xuất viện; nhưng sau đó cần phải tái khám nhiều lần để điều chỉnh các thông số kích thích điện đến giá trị tối ưu.
Sau ca phẫu thuật, bệnh động kinh của cô Lâm đã được kiểm soát, lượng thuốc uống giảm dần, khả năng ý thức cũng dần dần được cải thiện. Mặc dù vẫn đo thấy có sóng điện rò rỉ trong não, nhưng bây giờ khi cô nhìn thấy các nhân viên y tế từng chăm sóc mình, cô vẫn nhận ra rồi gật đầu, mỉm cười và chào hỏi; thực sự khác hẳn so với trạng thái bất tỉnh khi mới được đưa đến bệnh viện.
Sau khi tiến hành “kích thích nhân đồi thị trước”, “trạng thái động kinh” của cô Lâm đã được kiểm soát, kết quả điện não đồ vốn dĩ từ mỗi phút đều rò rỉ điện đã được cải thiện đến không còn rò rỉ điện nữa.
Hình trái: Trước khi phẫu thuật (EEG tiếp tục rò rỉ điện)
Hình phải: Sau phẫu thuật (EEG không còn rò rỉ điện)
Ca bệnh 2: Đốt sóng cao tần xâm lấn tối thiểu
Cô Tống 37 tuổi, bị động kinh sau khi viêm não lúc 3 tuổi, biểu hiện là mất ý thức ngắn hạn và co giật tứ chi. Cô đã đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, đã thử tới 8 loại thuốc chống động kinh, nhưng mỗi quý vẫn bị lên cơn động kinh trên 10 lần. Uống nhiều thuốc tuy rằng có thể miễn cưỡng kiểm soát được bệnh động kinh để không gây ra tổn thương nghiêm trọng, nhưng lại khiến cô trở nên thiếu sinh lực, ảnh hưởng lớn đến công việc và giao tiếp xã hội, khiến tâm trạng cô luôn ảm đạm. Năm nay cô đến bệnh viện chúng tôi điều trị, qua kiểm tra điện não đồ video dài hạn, được chẩn đoán mắc bệnh “động kinh kháng trị thùy thái dương trong bên phải”, hơn nữa qua chụp cộng hưởng từ não cũng cho thấy tình trạng “teo hồi hải mã phải”, nhận định phù hợp điều trị bằng phẫu thuật.
Đối với những bệnh nhân động kinh như cô Tống, vốn dĩ có thể cân nhắc phẫu thuật truyền thống để cắt thùy thái dương, về phương diện này bệnh viện chúng tôi cũng có rất nhiều kinh nghiệm; nhưng cô Tống lại khá sợ “phẫu thuật mở hộp sọ”, cũng như lo lắng về di chứng sau mổ. Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định sử dụng hình thức phẫu thuật mới là “đốt sóng cao tần xâm lấn tối thiểu”. Trước hết cũng đặt khung đầu định vị lập thể não bộ, sau khi định vị bằng hình ảnh chính xác, sẽ đưa điện cực đốt điện từ phía sau não đến vùng ổ bệnh động kinh. Đầu tiên sử dụng nhiệt độ thấp và tần số thấp để thử nghiệm, nếu không có tác dụng phụ, thì mới sử dụng nhiệt độ cao và tần số cao để trực tiếp đốt cháy mục tiêu, phá vỡ ổ bệnh động kinh. Phương pháp này sử dụng các điện cực nhỏ để đưa vào não, nên không cần phải phẫu thuật mở hộp sọ, phạm vi xử lý và mức độ phá hủy mô nhỏ hơn so với phương pháp cắt bỏ truyền thống, nên bệnh nhân dễ chấp nhận hơn.
Sau khi trải qua ca phẫu thuật này, vết thương của cô Tống không rõ ràng, không có biến chứng, cũng không có bất kỳ cơn động kinh lớn co giật toàn thân nào xảy ra sau đó nữa, giúp chất lượng cuộc sống của cô được cải thiện đáng kể. Hiện cô đang giảm thuốc, và cũng đã nở nụ cười trở lại.
Phương pháp “Đốt sóng cao tần xâm lấn tối thiểu” sử dụng các điện cực nhỏ để đưa vào não, nên không cần phải phẫu thuật mở hộp sọ, phạm vi xử lý và mức độ phá hủy mô nhỏ hơn so với phương pháp cắt bỏ truyền thống, nên bệnh nhân dễ chấp nhận hơn.
A Hình trái: Trước phẫu thuật (teo thùy thái dương trong bên trái)
B Hình giữa: Trong ngày phẫu thuật (phạm vi đốt 7mm)
C Hình phải: Hai tháng sau phẫu thuật (phạm vi đốt giảm đáng kể)