U hắc tố nội nhãn đáp ứng cực kỳ kém với thuốc và hóa trị. Hiện nay phương pháp điều trị chủ đạo là xạ trị (thường gọi là Điện trị liệu) hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Dưới đây là giới thiệu một số phương pháp điều trị:
1. Cắt bỏ nhãn cầu
Vì khối u nằm ở trong mắt, do đó cắt bỏ nhãn cầu là phương pháp điều trị trực tiếp và đơn giản nhất, cũng là phương pháp điều trị u hắc tố nội nhãn phổ biến nhất ở các quốc gia không đủ tài nguyên y tế. Nhưng tại Bệnh viện Chang Gung, chúng tôi sẽ thực hiện các phương án điều trị khác như dưới đây, để cố gắng bảo tồn nhãn cầu, trừ khi khối u quá lớn, đã xâm lấn ra ngoài mắt, gây bệnh thiên đầu thống không kiểm soát được.
2. Xạ trị Photon
Xạ trị Photon là phương pháp “điện trị liệu” truyền thống, sử dụng đặc tính tạo ra bức xạ của Photon để chiếu xạ vào các tế bào khối u và tiêu diệt chúng. Nhưng trong quá trình chiếu xạ, Photon cần phải xuyên qua các mô khỏe mạnh trước khi đến được vị trí khối u, rồi lại đi xuyên qua khối u, gây tổn thương cho các mô khỏe mạnh ở phía sau khối u. Tuy rằng hiện nay có các phương pháp xạ trị điều biến cường độ (IMRT) như xạ trị điều biến thể tích (RapidArc), nhưng do hạn chế bởi đặc tính của Photon nên vẫn gây ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến các mô xung quanh.
3. Xạ trị Proton
Hiện nay liệu pháp Proton là hình thức xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời u hắc tố nội nhãn cũng chính là loại khối u ác tính đầu tiên trên thế giới được điều trị bằng liệu pháp Proton. Do có khả năng kiểm soát khối u tốt, tác dụng phụ thấp và khả năng bảo tồn nhãn cầu cao không cần phải cắt bỏ, nên liệu pháp Proton đã được mệnh danh là “Tiêu chuẩn vàng điều trị” cho u hắc tố nội nhãn.
Nguyên nhân chính khiến liệu pháp Proton có thể đạt được hiệu quả điều trị như vậy, là bởi đặc tính của Proton: Khác với Photon, Proton khi đến vị trí khối u mới phát ra một lượng lớn tia bức xạ, và sau khi phát ra bức xạ, chúng sẽ ngay lập tức dừng lại bên trong khối u, chứ không tiếp tục đi xuyên qua khối u và gây tổn thương các mô khỏe mạnh phía sau nữa, Do đặc tính này, liệu pháp Proton có thể đạt được hiệu quả phá hủy khối u tương tự như xạ trị Photon, nhưng lại giúp giảm đáng kể tổn thương gây ra cho các mô xung quanh. Điều này rất quan trọng đối với một cơ quan có cấu tạo hết sức tinh vi như mắt. Vì khu vực mà khối u hắc tố phát triển là ở gần võng mạc, dây thần kinh thị giác, điểm vàng và các khu vực quan trọng khác. Nếu có thể giảm thiểu tổn thương cho những khu vực quan trọng này ở xung quanh khối u, thì sẽ có cơ hội bảo tồn chức năng thị giác của mắt, đồng thời giảm tác dụng phụ của xạ trị như hội chứng khô mắt, đục thủy tinh thể, thiên đầu thống và thoái hóa thần kinh thị giác võng mạc. Tuy rằng liệu pháp Proton có những đặc tính ưu việt này, nhưng do giá thành của thiết bị rất cao, nên chỉ có một số quốc gia và đội ngũ y tế trên thế giới sở hữu trang bị và kinh nghiệm lâm sàng của liệu pháp Proton.
(Tìm hiểu thêm: Trung tâm Xạ trị và Proton Chang Gung Lâm Khẩu)
4. Xạ trị Photon áp sát
Cũng là một loại xạ trị, được gọi là xạ trị áp sát (xạ trị trong/cận xạ trị), tức là phẫu thuật cấy hạt phóng xạ vào ngay bên cạnh khối u để chiếu xạ trực tiếp vào khối u. Ưu điểm của liệu pháp này là: Do nguồn phóng xạ được đặt ngay cạnh khối u nên chỉ cần với liều bức xạ thấp nhất là có thể đạt hiệu quả rất tốt trong việc phá hủy khối u. Nhưng liệu pháp này đòi hỏi phải phẫu thuật để cấy ghép hạt phóng xạ trước khi điều trị, và sau khi điều trị xong lại phải phẫu thuật để lấy hạt phóng xạ ra. Hiện chưa có bệnh viện nào ở Đài Loan áp dụng liệu pháp này.
5. Cắt bỏ khối u tại chỗ
Nhờ những tiến bộ của trang thiết bị và kỹ thuật phẫu thuật, có thể thực hiện cắt bỏ khối u ở những vị trí cụ thể. Ưu nhược điểm của phương pháp điều trị này chủ yếu phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Nếu khối u có kích thước vừa phải và không nằm gần các cấu trúc quan trọng của mắt (như điểm vàng, dây thần kinh thị giác,...), thì khối u có thể được loại bỏ hoàn toàn theo kế hoạch phẫu thuật thận trọng, sẽ bảo tồn được mắt và thậm chí cả thị lực. Còn đối với các khối u lớn, mặc dù liệu pháp Proton có cơ hội đạt 100% tỷ lệ kiểm soát khối u tại chỗ, nhưng do một số lượng lớn tế bào khối u sẽ bị hoại tử, nên có khả năng cao tạo ra “Hội chứng ly giải u”, cuối cùng sẽ dẫn đến chứng thiên đầu thống không thể kiểm soát được, gây mất thị lực hoặc thậm chí không thể bảo tồn nhãn cầu. Vì vậy, hiện nay có nhiều bác sĩ cũng đang áp dụng biện pháp cắt bỏ khối u tại chỗ sau khi xạ trị, để tránh các tác dụng phụ nêu trên.
6. Liệu pháp nhiệt xuyên đồng tử
Đối với khối u hắc tố nội nhãn ở giai đoạn sớm có kích thước nhỏ và mỏng hơn, thì việc áp dụng nhiệt trị liệu qua đồng tử (TTT) có thể đạt được sự kiểm soát khối u tại chỗ tốt. Liệu pháp này làm giãn nở đồng tử để làm nóng khối u nhằm phá hủy khối u. Tương tự như xạ trị, đây cũng là phương pháp điều trị không xâm lấn, không có vết mổ. Hơn nữa, so với xạ trị thì liệu pháp nhiệt xuyên đồng tử có ít tác dụng phụ tiềm ẩn hơn và ít gây tổn thương hơn cho các mô khỏe mạnh ở xung quanh khối u.
7. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một loại thuốc chống ung thư đang được phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, thông qua hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Điều đáng tiếc là, mặc dù liệu pháp miễn dịch đã đạt được thành công lớn đối với u hắc tố ở da, nhưng đối với u hắc tố nội nhãn thì hiện nay hiệu quả của liệu pháp miễn dịch vẫn chưa đáng kể. Một lý do có thể, đó là khác với u hắc tố trên da, khối u hắc tố nội nhãn không nhất thiết có liên quan đến bức xạ tia cực tím (UV), vì vậy không đáp ứng lý tưởng với liệu pháp miễn dịch mới.